Thứ Sáu, 17/05/2024 17:53 CH
Lan tỏa văn hóa đọc gắn với tôn chỉ giáo dục khai phóng  
Thứ Năm, 02/05/2024 09:39 SA

TS Trần Kim Quyên trao đổi, chia sẻ về vai trò của sách và niềm vui, cách đọc sách hiệu quả với các cán bộ, giảng viên nhà trường. Ảnh: TRẦN QUỚI

Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, yêu cầu về học thức, tri thức của mỗi người càng trở nên quan trọng. Và đọc sách chính là một trong những phương thức đơn giản và hiệu quả nhất để nâng cao học thức con người.

 

Đó là thông điệp mà TS Trần Kim Quyên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương miền Trung (MITC) gửi đến toàn thể cán bộ, giảng viên, người lao động nhà trường nhân lễ phát động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) vừa qua.

 

Nhiều hoạt động thiết thực

 

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay, MITC tổ chức nhiều hoạt động phong phú như: Chương trình tặng sách cho thư viện, khai trương không gian văn hóa đọc, chia sẻ kinh nghiệm về đọc sách, tham gia gian hàng giới thiệu tại Hội Sách tỉnh Phú Yên lần thứ VII, đặc biệt nhà trường chính thức phát động cuộc thi Tìm kiếm đại sứ văn hóa đọc MITC năm 2024.

 

Phát biểu tại lễ phát động, TS Trần Kim Quyên nhấn mạnh vai trò của sách và sứ mệnh lan tỏa, phát huy văn hóa đọc, nhất là trong nhà trường trong bối cảnh hiện nay là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa bền vững. Sách là người thầy, là kho tàng tri thức vô tận, là nguồn tài nguyên quý giá cho sự phát triển của mỗi cá nhân và xã hội.

 

“Bằng những hoạt động, việc làm thiết thực hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, MITC mong muốn mỗi cán bộ, giảng viên, người lao động, học sinh sinh viên nhà trường hãy là một người ham mê đọc sách, trở thành đại sứ văn hóa đọc. Mỗi cán bộ, giảng viên, mỗi HSSV hãy chọn cho mình một thông điệp để hành động: Sách hay cần bạn đọc; Sách quý tặng bạn; Tặng sách hay - Mua sách thật; Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe…”, TS Trần Kim Quyên nói.

 

Bên cạnh kiến thức học tập trên giảng đường, thực hành trong phòng thí nghiệm, công xưởng, thì sách là một phương tiện, một người thầy cho các em kiến thức và khả năng tự học suốt đời để có thể vượt qua mọi thử thách trong tương lai.

 

TS Trần Kim Quyên, Bí thư Đảng ủy,

Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng MITC

 

Về cuộc thi Tìm kiếm đại sứ văn hóa đọc MITC năm 2024, cuộc thi này dành cho tất cả cán bộ, giảng viên, người lao động, học sinh sinh viên nhà trường tham gia đọc sách và viết bài cảm nhận về sách với chủ đề: “Sách hay cần bạn đọc”. Bài dự thi sẽ tóm tắt nội dung và ý nghĩa quyển sách yêu thích (khoảng 800-1.000 từ).

 

Các bài viết chất lượng sẽ được đăng trên website của nhà trường, bình xét trao giải hằng tháng, cùng nhiều trò chơi với quà tặng là những quyển sách hay. Sinh viên Võ Thị Bích Ngọc, lớp CĐTM 46, chia sẻ: “Lâu nay em vẫn thường xuyên đọc sách, bây giờ càng phải đọc nhiều hơn, không chỉ để tham gia cuộc thi nhà trường phát động, mà sách với em thực sự là một người bạn, người thầy cho em nhiều tri thức”.

 

Theo TS Trần Thị Nguyệt Cầm, Trưởng phòng Quản lý đào tạo MITC, người “review sách hay” trong lễ phát động, chúng ta đọc xong, gấp lại một quyển sách, những kiến thức, những câu chuyện thú vị sẽ đọng lại trong trí nhớ của riêng mình. “Lần này nhà trường tổ chức cuộc thi viết bài cảm nhận về một quyển sách hay mà bạn đọc, “review sách hay”, không chỉ giúp bạn có thêm thông tin, kiến thức, bài học được rút ra cho riêng mình, mà còn chia sẻ cho mọi người. Cách làm này giúp mình nhớ lâu hơn và rất có ích cho cộng đồng”, TS Trần Thị Nguyệt Cầm nói.

 

Sách - người thầy - kho tàng tri thức

 

Lúc sinh thời, Bác Hồ thường xuyên kêu gọi cán bộ, Nhân dân đọc sách để nâng cao kiến thức và lý luận cách mạng. Bản thân Người cũng là một tấm gương sáng về việc đọc sách.

 

Khi nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm vào ngày 9/12/1961, Hồ Chủ tịch tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học... Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Với Bác, nguyên lý và phương thức học được tóm gọn: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”.

 

Đọc sách không những để nâng cao tri thức mà còn nâng cao nhân cách. Sách chính là phương tiện, công cụ lưu giữ sự tiến bộ, văn minh và chặng đường lịch sử phát triển của con người. Sách cũng chính là người thầy dẫn dắt, người bạn đường chỉ lối, đưa con người đến những chân trời của sự hiểu biết và sáng tạo.

 

Với triết lý đào tạo “Giáo dục khai phóng - Gắn kết thực tiễn - Năng lực sáng tạo”, MITC đang xây dựng chương trình đào tạo với khối lượng kiến thức nền, kỹ năng mềm, kiến thức và kỹ năng nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội, khi học sinh sinh viên ra trường có thể gia nhập vào lực lượng lao động xã hội.

 

TS Trần Kim Quyên nhấn mạnh: “Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới biến chuyển không ngừng, giáo dục khai phóng đóng vai trò như kim chỉ nam dẫn dắt người học tiếp cận kiến thức từ nhiều lĩnh vực, thích ứng với nhu cầu xã hội. Vì vậy, bên cạnh kiến thức học tập trên giảng đường, thực hành trong phòng thí nghiệm, công xưởng, thì sách là một phương tiện, một người thầy cho các em kiến thức và khả năng tự học suốt đời để có thể vượt qua mọi thử thách trong tương lai”.

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek